Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Vải dệt kim là gì? Các loại vải dệt kim thường gặp

Vải dệt kim là gì? Các loại vải dệt kim thường gặp

  • 04/05/2023
  • 450
  • 0
  • 0

Vải dệt kim là gì? Ưu nhược điểm của vải dệt kim? Chất liệu của vải dệt kim? Các loại vải dệt kim thường gặp? Rất nhiều câu hỏi sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây để bạn tham khảo.

Xem thêm: Tìm hiểu các loại vải thun tại chợ Ninh Hiệp

1.Vải dệt kim là gì?

Vải dệt kim (Knitted fabric) là loại vải được tạo ra từ phương pháp dệt kim, hiểu đơn giản là cách đan xen một sợi liên tục hoặc nhiều sợi, với các mũi khâu lồng vào nhau theo chiều dọc (gọi là vải dệt kim dọc) hoặc theo chiều ngang (gọi là vải dệt kim ngang).

Khi nói đến vải dệt kim tức là nói đến cấu trúc của vải, chứ không phải về mặt chất liệu. Nói cách khác vải dệt kim bao gồm rất nhiều loại vải khác nhau về chất liệu nhưng chung phương pháp dệt, cấu trúc vải.

Vải được tạo thành từ phương pháp dệt kim có thể bằng tay (thủ công) như đan truyền thống. Nhưng ngày nay phần lớn vải dệt kim được tạo ra theo hướng công nghiệp, nhờ các loại máy dệt kim hiện đại. Nhờ đó vải quá trình sản xuất nhanh hơn, năng suất lớn và giá thành rẻ hơn.

2.Phân biệt vải dệt kim và dệt thoi

Thông thường khi nói đến vải dệt kim, người ta cũng hay liên hệ đến vải dệt thoi. Cấu trúc vải dệt thoi được tạo ra bởi sợi dọc và sợi ngang đan xen kẽ vuông góc với nhau. Hình dưới đây là một ví dụ để thấy sự khác biệt giữa vải dệt kim và dệt thoi.
 

Vải dệt kim là gì


Cả hai phương pháp dệt đều cho ra các loại vải với đặc tính và ưu điểm riêng. Từ đó có thể phù hợp với các nhu cầu may mặc quần áo, đồ gia dụng, phụ kiện thời trang khác nhau.

Do đó việc lựa chọn mua hay sử dụng loại vải dệt kim hay vải dệt thoi không phải căn cứ vào ưu hay nhược điểm của chúng mà chủ yếu là dựa vào nhu cầu thực tế của việc gia công sản xuất cũng như sở thích của người tiêu dùng.

3.Vải dệt kim làm bằng chất liệu gì?

Cũng như vải dệt thoii, dệt kim có thể sử dụng nhiều loại sợi dệt khác nhau, bao gồm cả sợi tự nhiên, sợi tổng hợp và bán tổng hợp. Phổ biến như:

  • Sợi cotton (bông)
  • Sợi Viscose (tơ visco, sợi lụa nhân tạo)
  • Sợi Spandex
  • Sợi Wool (len)
  • Sợi Polyester,...

Ngoài đặc tính chung có được từ kiểu dệt kim, chất liệu sợi cũng sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các loại vải dệt kim được sản xuất ra.

4.Ưu điểm và hạn chế của vải dệt kim

Hiện nay trên thị trường thời trang thế giới, vải dệt kim thường được sản xuất theo hướng công nghiệp và rất được ưa chuộng. Tuy nhiên cũng như bất kỳ loại vải nào khác chúng đều có những ưu và nhược điểm. 

Ưu điểm:

  1. Vải có độ thông thoáng cao: Tuy cấu tạo vải có sự đan xen giữa các vòng sợi nhưng trên bề mặt vẫn còn tạo thành các lỗ nhỏ, giúp vải trở nên thoáng mát hơn. Do đó một số loại vải thường được ưu tiên trong thời trang mùa hè.
  2. Vải có khả năng giữ nhiệt tốt nên cũng thường được sử dụng làm mũ len, găng tay, áo len vào mùa đông.
  3. Khả năng chống nhăn tạo thuận lợi trong quá trình giặt sấy và gấp đồ
  4. Được ứng dụng nhiều trong ngành thời trang như làm áo khoác, túi xách, áo len, khăn quàng cổ,...
  5. Một số loại vải dệt kim có độ mảnh sợi tốt, tạo tính thẩm mỹ cao, mặc tôn dáng
  6. Có độ co giãn, đàn hồi tốt, chịu được áp lực hoặc lực căng tốt, tạo sự thoải mái khi mặc
  7. Có khả năng thấm hút và thoát mồ hôi nên ít hoặc không gây kích ứng cho da

Hạn chế:

  1. Phần mép vải thường dễ bị quăn méo. Vì thế khi kiểm tra các lỗi vải, đây cũng có thể xem là một loại lỗi vải dệt kim thường gặp nhất.
  2. Dễ bị tuột các vòng sợi đan, khiến mặt vải dễ bị vỡ/rách to hơn
  3. Do vải dễ giãn nếu có một lực căng quá mạnh nên sau một thời gian sử dụng vải có thể bị biến dạng. Đồng thời độ co giãn gây khó khăn khi may, bị nhăn đường may, trượt vải,...

5.Vải dệt kim dùng để làm gì? - Ứng dụng

Nói đến công dụng của vải dệt kim, bạn sẽ ngạc nhiên về tính linh hoạt và sự đa dạng của nó bởi không chỉ có quần áo mà rất nhiều đồ đạc trong nhà như rèm cửa, chăn khăn, gối,... Được làm từ các mũi khâu lồng vào nhau, hàng dệt kim được chia thành 5 loại khác nhau.

  • Vải dệt kim đôi chắc chắn, ổn định và không bị giãn nhiều. Thường được sử dụng trong may quần và áo khoác dày, những sản phẩm cần độ bền, độ dày
  • Vải dệt kim đơn: dùng may các loại áo thun, áo đầm, áo khoác mềm nhẹ
  • Vải dệt kim có kết cấu nặng như vải nhung hoặc vải bông được sử dụng nhiều trong thời trang mùa thu đông
  • Vải dệt kim co giãn có độ co giãn cao: sản xuất áo thun hay các sản phẩm thời trang cần độ co giãn như đồ tập luyện thể thao, trang phục yoga,...
  • Đường viền dệt kim dùng để hoàn thiện quần áo, chẳng hạn như đường viền cổ áo phông

6.Phân biệt 2 loại vải dệt kim ngang và dệt kim dọc

Về mặt kỹ thuật trong công nghệ dệt kim, dựa vào cơ chế tạo vòng sợi có thể phân biệt thành hai loai: vải dệt kim ngang và dọc. Quan sát trên bề mặt vải có thể dễ dàng thấy chúng có vẻ ngoài khác nhau.

Dệt ngang (Weft knitting)

  • Loại đan ngang có sợi chạy qua lại theo chiều ngang, có thể tạo ra các loại vải có hình dạng và xếp nếp mềm mại.
  • Bao gồm vải dệt ngang đơn: Single Jersey
  • Dệt ngang đôi: Double Jersey

Dệt kim dọc| (Warp knitting)

  • Loại đan dọc với sợi dọc chạy lên xuống và tạo ra nhiều thước vải thô hơn.
  • Bao gồm các kiểu Tricot, Raschel, Milan

Ngoài các kiểu dệt thuộc loại đan ngang hay học cơ bản trên, mỗi kiểu lại có những biến thể khác nhau. Từ đó có thể tạo ra các loại vải với hoa văn, họa tiết đạt tính thẩm mỹ khác nhau. Điều này có được cũng nhờ sự phát triển không ngừng của các loại máy dệt kim trong việc tạo ra các loại vải dệt kim và các sản phẩm dệt kim đa dạng và phong phú.

7.Các loại vải dệt kim ngang

Vải dệt kim sợi ngang là phương pháp dệt vải trong đó vòng được tạo ra theo chiều ngang từ một sợi đơn. Mỗi hàng vòng sợi được tạo liên tiếp trên các vòng trước đó và cứ như vậy đan xen nhau. Vải loại này thường có thuộc tính co giãn, thoải mái, ấm áp nhưng các đặc tính này có thể thay đổi tùy vào loại sợi được sử dụng.


    vải dệt kim ngang

    Đặc điểm của loại vải dệt kim theo chiều ngang

    • Độ đàn hồi rất lớn
    • Ấm áp khi mặc
    • Tạo cảm giác thoải mái
    • Các đặc tính khác có thể đạt được tùy thuộc vào loại sợi được sử dụng
    • Không sờn
    • Có thể đạt được các mẫu khác nhau
    • Cách điện tốt

    Các kiểu dệt của dệt kim ngang thường gặp

    • Vải dệt kim ngang đơn được dệt bởi máy dệt có 1 bộ giường kim, ví dụ như vải Jersey đơn (Simple Jersey) ... 
    • Vải dệt kim ngang đôi được dệt bởi máy dệt có 2 bộ giường kim: Double jersey hay Jersey đôi, Rib, interlock,...  Vải có cấu trúc vải khá ổn định và nhỏ gọn, không bị cong ở mép và không bị rách.

    Dệt ngang Jersey đơn

    Vải được dệt bởi máy dệt 1 giường kim và có 2 mặt vải (mặt phải và mặt trái) khác nhau rõ rệt. Theo đó, ở mặt vải trái sẽ thấy rõ các hàng vòng còn ở mặt phải của vải nổi rõ các trụ vòng.

    Dệt ngang Jersey đôi

    Vải có 2 mặt vải đều giống nhau (đều là mặt phải). Vải không quăn mép, độ giãn và độ dày lớn.
    Với loại dệt kim đôi bạn có thể nghe nói đến vải Rib, hay Interlock. Chúng là hai loại máy dệt khác nhau và đều dệt ra loại vải Jersey đôi. Ở góc độ khác, vải Interlock được xem là sự cải tiến của vải Rib.

    8.Các loại dệt kim dọc

    Dệt kim dọc là một phương pháp tạo vải mà các vòng được tạo theo chiều dọc (chiều dài của vải) từ mỗi sợi dọc. Có nghĩa là sẽ có một chiếc kim cho mỗi sợi dệt. Các mũi dệt kim sẽ có hình dạng đường chéo đan chéo nhau. Nhờ đó bề mặt vải tạo cảm giác mượt mà hơn nhưng kém đàn hồi hơn so với dệt kim ngang.
     

    vải dệt kim đan dọc

    Đặc điểm của vải dệt kim dọc

    • Ít đàn hồi hơn dệt kim đan ngang
    • Khả năng chống chạy vải tốt hơn so với đan sợi ngang
    • Dày hơn sợi ngang đan
    • Loại và trọng lượng của sợi quyết định loại vải được sản xuất
    • Ấm áp để mặc
    • Tạo cảm giác thoải mái
    • Thường mềm
    • Xếp nếp tốt
    • Dễ may

    Các loại dệt kim dọc

    Được chia thành các loại kiểu Tricot, Raschel, Milan

    Dệt dọc Tricot

    Mặt phải có gân sọc dọc và mặt trái của vải có gân ngang; kết cấu mềm và rủ, có thể kéo căng theo chiều dọc nhưng hầu như không giãn ngang. Thường may đồ lót.

    Dệt dọc Raschel

    Vải đan dọc cấu trúc cồng kềnh, hai mặt như nhau, độ giãn rất ít. Có thể là vải dệt mật độ cao hoặc vải dệt cấu trúc thưa. Thường là vải lot dạng lưới thông gió cho áo khoác, áo jacket, balo, túi xách,...

    Dệt dọc Milan

    Hai sợi dệt kim theo đường chéo, mặt phải của vải mặt có gân dọc và mặt trái có cấu trúc đường chéo; cấu trúc vải nhẹ, mượt mà, ổn định. Thường dùng trong may đồ lót.
     

    Trên đây là một số thông tin tìm hiểu Vải dệt kim là gì cũng như ưu nhược điểm và ứng dụng của các loại vải được dệt bằng phương pháp dệt kim. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về nhà cung cấp vải cũng như đặt hàng sản xuất vải dệt bằng phương pháp dệt kim hoặc tìm mua vải tại các chợ đầu mối như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân hay chợ Tân Bình.

    Xem thêm: Các xưởng vải thun tại Hà Nội uy tín, giá rẻ tận gốc

    Chia sẻ

    Location for : Listing Title