Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Các loại vải cotton phân loại vải, ưu điểm, cách lựa chọn

Các loại vải cotton phân loại vải, ưu điểm, cách lựa chọn

  • 11/05/2023
  • 387
  • 1
  • 0

Có rất nhiều các loại vải cotton phổ biến trên thị trường và được gọi theo nhiều tên khác nhau. Chúng được phân loại và gọi tên theo nhiều cách, từ nguồn gốc sợi bông, tỉ lệ sợi kết hợp với các loại sợi dệt khác, phương pháp dệt, kiểu dệt,... Bài viết dưới đây tổng hợp một số kiến thức về các loại vải có thành phần sợi cotton để bạn có cái nhìn rõ hơn về dòng vải được nhiều người ưa chuộng này.

Xem thêm: Chợ vải Ninh Hiệp ở đâu? Danh sách các khu bán vải Ninh Hiệp

Vải cotton là gì?

Vải cotton (cotton fabric) là loại vải dệt từ sợi cotton (sợi bông), có nguồn gốc từ tự nhiên thực vật. Vải có nhiều ưu điểm như thấm hút tốt, thoáng khí, không kích ứng cho da, tương đối bền và dễ nhuộm màu. Loại vải này được sử dụng phổ biến trong thời trang may mặc và được đánh giá là loại vải cao cấp.

Cotton được pha trộn với nhiều loại sợi dệt khác bao gồm cả sợi tự nhiên và sợi tổng hợp để tạo nên vải cotton pha. Cotton cũng được sử dụng trong tất cả các kiểu dệt vải của cả phương pháp dệt thoi và dệt kim. Điều này giúp tạo ra vô số loại vải cotton khác nhau về tính chất, mẫu mã đáp ứng đa dạng nhu cầu về nguyên liệu vải cụ thể.

Quy trình sản xuất vải cotton như thế nào?

Để sản xuất ra các loại vải cotton, nguyên liệu thô ban đầu chính là xơ sợi bông. Quy trình để từ trồng, thu hoạch và sơ chế sợi bông là công đoạn dài.

Bạn có thể tham khảo kỹ hơn bài viết về sợi cotton mà chúng tôi đã đăng tải. Ở đây chỉ nó sơ bộ về quy trình sản xuất vải với các bước như sau:

  • Bông thô từ cánh đồng được thu hoạch và mang đến nhà máy để xử lý tạo nguyên liệu thô
  • Các tạp chất được loại bỏ khỏi bông thô và phân loại theo chất lượng bông
  • Xơ bông được chải thô, chải kỹ, pha trộn và xoắn thành sợi mảnh và mịn cho ra các loại sợi cotton khác nhau
  • Sợi được dệt kim hoặc dệt tấm vải
  • Vải có thể tiếp tục được xử lý ướt với các công đoạn như nhuộm màu, hoàn thiện bề mặt với các hiệu ứng, in ấn,... cho ra vải thành phẩm.

Đáng chú ý, ở mỗi công đoạn của quá trình sản xuất vải, chất lượng nguyên liệu, công nghệ xử lý đều rất quan trọng. Nó đóng vai trò tạo nên sản phẩm vải chất lượng cao hơn. 

Phân loại vải cotton theo thành phần chất liệu sợi

Cũng như bất kỳ loại vải nào khác, thành phần sợi vải là điều quan trọng nhất để phân biệt vải. Khi nói đến từ 'vải cotton' thì có nghĩa là loại vải này phải chứa tỉ lệ sợi cotton (hoàn toàn hoặc một phần). Thông thường thì tỉ lệ sợi cotton càng cao trong vải có nghĩa là giá vải sẽ cao hơn.

Vải cotton 100%

Theo lý thuyết thì cotton 100% tức là tỉ lệ sợi hoàn toàn là cotton. Tuy nhiên nó có thể được thêm vào một số hóa chất để củng cố độ bền chắc của vải. Tùy vào phương pháp dệt, kiểu dệt và cotton 100 sẽ được sử dụng để tạo nên các loại vải cotton cụ thể.

  • Tùy vào chất lượng sợi cotton, phương pháp dệt, kiểu dệt, mật độ sợi dệt, định lượng vải,... mà loại vải này sẽ có giá cả khác nhau.
  • Gồm đầy đủ ưu điểm (mềm, thoáng khí, độ thấm hút tốt) và nhược điểm của vải cotton (dễ nhăn, dễ bẫn).
  • Giá cao hơn các loại vải cotton pha
  • Ứng dụng phổ biến cho quần áo, hàng cao cấp, ít gây kích ứng (quần áo trẻ em)
  • Vải cotton 100 thường kèm theo Tiêu chuẩn SGS (tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn) áp dụng trên toàn thế giới.

Vải cotton pha (Cotton Blend)

Cotton pha là một trong số các loại vải sợi pha được sử dụng nhiều nhất. Gọi là vải pha vì trong thành phần của vải có sự pha trộn thêm loại sợi khác theo.
 

Các loại vải cotton


Đặc điểm và mục đích của sự pha trộn này là:

  • Có thể pha trộn cùng lúc với một hay nhiều loại sợi khác.
  • Tỉ lệ pha các sợi dệt ở mức dao động bao nhiêu là các thông số có thể thay đổi tùy vào yêu cầu đặt hàng sản xuất vải
  • Sợi bông có thể pha trộn với cả sợi tự nhiên khác và sợi tổng hợp
  • Cotton pha sợi tổng hợp phổ biến nhất là cotton 65/35 (vải CVC: 65% cotton; 35% poly), cotton 35/65 (Tici: 35% cotton; 65% Poly), vải cotton spandex
  • Cotton kết hợp với các loại sợi khác (sợi lụa tơ tằm, sợi lanh, đay,  sợi len,...) tạo ra cotton len, lụa cotton,...
  • Cotton kết hợp với các loại sợi bán tổng hợp rayon ví dụ như sợi tre, sợi modal, sợi tencel,....
  • Mục đích của sự pha trộn là giảm giá thành cũng như hạn chế các nhược điểm của vải cotton nguyên chất đồng thời phát huy được ưu thế của sợi vải được pha thêm vào. 

Việc phân loại cotton pha và cotton 100 hoặc giữa các loại cotton pha với nhau được thực hiện theo nhiều cách nhận biết vải cotton. Từ quan sát bề mặt, độ thấm hút, thử nghiệm đốt cháy,... Tuy nhiên quan trọng nhất là đặt mua tại các cơ sở uy tín để đảm bảo cung cấp đúng loại vải bạn cần mua.

Phân loại vải cotton theo tính co giãn

Nhiều người mới tìm hiểu về cotton thường băn khoăn rằng vải cotton có co giãn không? Trên thực tế sợi cotton không có tính co giãn như loại sợi spandex. Tuy nhiên dưới các kiểu dệt khác nhau của phương pháp dệt kim thì vải dệt từ sợi cotton sẽ có độ co giãn nhẹ.

Lý do vì dệt kim có cấu trúc lỏng hơn so với dệt thoi. Để thêm vào đặc tính co giãn cho vải cotton, người ta sử dụng chất liệu spandex. Tỉ lệ sợi này càng nhiều, vải cotton càng co giãn nhiều hơn. Tuy nhiên trong hầu hết các loại vải thun cotton, tỉ lệ spandex chỉ vào khoảng từ 1-5%.
 

vải cotton dệt chéo co giãn nhẹ


Hình trên là vải cotton Trung Quốc với 97% cotton, 3% Spandex cho độ co giãn 20% sợi chéo, định lượng 195 gsm / 5,8 oz/yd². Độ co giãn này phù hợp để may từ quần dài, áo liền quần, áo khoác, đầm và chân váy,... Nó có thể giúp tạo độ co giãn di chuyển theo cơ thể bạn.

Vải cotton co giãn 2 chiều ((2-way stretch cotton)

  • Vải chỉ có thể kéo dãn theo chiều ngang hoặc là chiều dọc (đa phần kéo dãn theo chiều ngang của sản phẩm).
  • Được nhắc đến nhiều nhất chính là vải Tici (tixi)
  • Dùng khi cần vải co giãn theo một hướng ví dụ như loại trang phục cần độ co giãn bao quanh cơ thể (ví dụ như áo thun) hoặc là giãn dài theo chiều dài cơ thể

Cotton co giãn 4 chiều (4-way stretch cotton)

  • Vải đồng thời có thể kéo dãn theo chiều ngang và chiều dọc.
  • Thường thì tỉ lệ cotton chiếm phần lớn có thể từ 93-95%. Còn lại là sợi thun spandex.
  • Sử dụng khi cần may trang phục có thể co giãn theo mọi hướng. Trong các sản phẩm quần áo may theo công nghệ may liền mạch hay Seamless thường hay sử dụng loại vải cotton co giãn 4 chiều. Ví dụ như quần áo tập gym, bộ đồ tập yoga, đồ lót,...

Phân loại vải cotton theo nguồn gốc

Cây bông được trồng ở nhiều nước trên thế giới nhưng chất lượng xơ sợi bông được đánh giá khác nhau. Nó phụ thuộc vào độ dài sợi, màu sắc và độ đồng đều của xơ sợi,...

  • Vải bông Ai Cập: Là loại vải bông chất lượng cao nhất, được trồng tại Ai Cập.
  • Vải bông Pima: Chỉ trồng được ở một số quốc gia (Peru, Úc) và một số vùng của Hoa Kỳ. Bông Pima được đánh giá cao vì sợi dài hơn sợi cotton thông thường. Vải mịn và rất miền, chống nhăn tốt.  

Bên cạnh đó, còn phân loại theo quy trình canh tác. Theo đó tùy vào việc chọn giống cây bông, kỹ thuật trồng và chăm bón, thu hoạch, quá trình sản xuất sợi, vải,... mà vải cotton cũng được chia ra khác nhau theo mức độ thân thiện với môi trường.

  • Vải cotton thường (Conventional cotton): Có sử dụng giống bông biến đổi gen để tăng năng suất, kháng sâu bệnh cũng như phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc. Việc khai thác, sản xuất sợi dệt vải cũng dùng đến lượng hóa chất nhất định.
  • Vải cotton hữu cơ (Organic Cotton): Tuân thủ Quy trình sản xuất sợi Organic Cotton (giống không biến đổi gen, không sử dụng bất kỳ một hóa chất độc hại nào từ khi trồng tới khi thu hoạch và cả quá trình sản xuất vải sau đó,...)
  • Vải bông tái chế (Recycled cotton): Sợi, vải cotton này được làm ra nhờ sử dụng nguyên liệu là chất thải sợi bông, vải bông từ trước, sau quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng. 

    vải cotton tái chế


Việc phân biệt cotton thường hay hữu cơ là không dễ dàng và chủ yếu dựa vào nhãn dán của nhà cung cấp. Tuy nhiên có thể nhận thấy phần lớn quần áo cotton là loai cotton thường. Lý do vì sản phẩm dán nhãn hữu cơ thuộc loại cao cấp và luôn đắt hơn, khó tiếp cận với khách hàng ở phân khúc trung cấp, bình dân. Tương tự, việc sản xuất vải cotton tái chế cũng đòi hỏi dây chuyền hiện đại và sản lượng của loại vải này cũng không nhiều.

Vải cotton chia theo kiểu dệt vải

Có hai phương pháp dệt chủ yếu (dệt kim và dệt thoi) và mỗi phương pháp dệt này sẽ có nhiều kiểu dệt khác nhau. Sợi vải cotton được sử dụng làm nguyên liệu sợi dệt cho cả hai phương pháp dệt và thành phẩm vải có thể được gọi với nhiều tên khác nhau. 
 

các loại vải cotton pha
 

Vải cotton dệt thoi

  • Dệt kiểu satin: Vải được dệt theo kiểu dệt satin (thuộc loại dệt thoi) với thành phần 100% cotton hoặc pha với sợi khác
  • Vải cotton dệt chéo (Twill): Ví dụ như vải chino cotton, gabardine cotton, vải denim cotton,...
  • Vải dệt trơn: Cotton chambray (sợi dọc có màu và sợi ngang trắng), vải Poplin (có kết cấu gân chạy dọc theo thớ); Vải cotton calico: Có thành phần từ cotton 100% và được dệt theo kiểu dệt trơn, không qua xử lý hóa chất hoặc tẩy nhuộm; vải canvas cotton (dệt sợi dày, thô); voan bông,...
  • Cotton dệt kiểu jacquard: Sợi cotton dệt theo công nghệ jacquard với hoa văn được dệt trực tiếp lên vải mà không phải in
  • Vải cotton nhung: Dệt chần sợi với các sợi vải được cắt phân bố đều, với cọc ngắn và dày đặc từ đó tạo cho bề mặt vải sự mềm mại đặc biệt (thuộc loại dệt thoi)
  • Vải cotton Muslin: Còn gọi là vải xô, vải màn với thành phần cotton được dệt với hệ sợi dọc và sợi ngang tựa như bàn cờ (thuộc loại dệt thoi). Thường được làm từ cotton 100%, loại vải này liệu nhẹ, mềm, xốp và đặc biệt thấm hút tốt, khô ráo rất nhanh.

Vải cotton dệt kim

Cotton tham gia vào tất cả các kiểu dệt của phương pháp dệt kim, kể cả dệt kim dọc dệt kim ngang.

  • Vải Rib cotton: Vải có gân sọc với rãnh chìm, rãnh nổi (thuộc phương pháp dệt kim)
  • Vải cotton da cá: Được tạo nên từ những sợi đan chéo lên nhau tạo nên bề mặt phải của vải nổi giống như da cá (phương pháp dệt kim)
  • Vải cotton lưới, ren

Vải cotton không dệt

  • Vải nỉ bông

Ngoài ra còn rất nhiều loại vải cotton khác được dệt theo các kiểu khác nhau, Toplist Ninh Hiệp sẽ tiếp tục cập nhật.

Loại vải cotton nào tốt nhất?

Trên thực tế không có loại vải cotton nào được xem là tốt nhất trên mọi phương diện. Việc lựa chọn vải nào, từ tỉ lệ sợi, loại sợi cotton, kiểu dệt, nguồn gốc vải,... đều cần được tính đến trong tương quan của sự phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng dự án, tức là sự phù hợp. 

Phần lớn ý kiến vẫn đánh giá cao cotton 100% do tính an toàn, độ thấm hút, thoáng khí và khả năng phân hủy sinh học,... Trong khi đó cotton pha được đánh giá ở tính thực tế trong ứng dụng, giá cả phù hợp và khắc phục được những hạn chế vốn có của cotton 100 như dễ nhăn, giá thành cao.

Đối với bản thân cotton toàn phần, chất lượng sợi cotton cũng rất quan trọng và ảnh hưởng tới chất lượng vải. Sợi cotton dài, sợi chải kỹ sẽ cho vải cotton mềm, mịn, thoáng khí, bề mặt đẹp hơn và tất nhiên giá cao hơn. Vải cotton làm từ sợi chải thô, sợi ngắn bề mặt vải sẽ không đẹp bằng nhưng lại có giá rẻ hơn.

Để chọn mua được loại cotton phù hợp, điều quan trọng không chỉ là giá rẻ mà phải xác định rõ mục đích sử dụng vải. 

Thành phần và định lượng:

Ngoài thành phần vải, cách dệt, thì định lượng vải (GSM) cũng là điều cần chú ý. Với cùng tỉ lệ thành phần sợi, cùng cách dệt, định lượng vải khác nhau cho ra sản phẩm vải với độ dày mỏng khác nhau.

Từ đó có liên quan đến giá vải và sự phù hợp cho lựa chọn để sử dụng vải cho các mục đích khác nhau.

Cần xác định bạn mua vải cotton để làm gì?

Ứng dụng của vải cotton là vô cùng phong phú từ may quần áo, váy đầm, phụ kiện mũ nón, đồ nội thất chăn ga gối đệm, rèm cửa,... Do đó phải xác định rõ nhu cầu mua vải để được người bán tư vấn cho phù hợp. 

Cotton 100% không phải luôn là lựa chọn tốt nhất. Nếu chỉ quan tâm riêng yếu tố giá rẻ, cotton pha với tỉ lệ ít cotton sẽ phù hợp nhất. Nếu bạn chú trọng đến vấn đề chống nhăn, đừng lựa chọn cotton 100 bởi nó luôn dễ nhăn hơn các loại cotton pha.

Các loại vải dày may trang phục mùa đông như nhung, nỉ, len nếu có thêm thành phần cotton sẽ giữ ấm tốt và thoáng khí hơn.

Trong mọi trường hợp, nếu bạn không hiểu rõ về vải định mua, hãy hỏi người bán. Thường thì người bán vải chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và uy tín sẽ luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn về các loại vải và đưa ra lời khuyên phù hợp nhất cho bạn.

Trên đây là thông tin về phân loại các loại vải cotton phổ biến hiện nay. Hy vọng bài viết sẽ mang đến cho bạn những điều hữu ích. Để có thêm thông tin về nhà cung cấp vải cotton uy tín, bạn có thể tham khảo thêm Danh Mục Cửa Hàng Vải trên website hoặc liên hệ trực tiếp với Toplistninhhiep.vn để được tư vấn kỹ hơn.

 

Chia sẻ

Location for : Listing Title