Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Phân biệt các dạng lỗi vải thường gặp trên vải cây, vải cuộn và quần áo

Phân biệt các dạng lỗi vải thường gặp trên vải cây, vải cuộn và quần áo

  • 15/03/2023
  • 3,507
  • 1
  • 0

Việc nhận biết các dạng lỗi vải thường gặp là rất cần thiết cho tất cả mọi đối tượng, từ người sản xuất, mua bán vải cho đến người gia công vải may mặc. Với người mua, nó giúp bạn tránh mua phải vải kém chất lượng. Với người bán, kiến thức phân biệt này là không thể thiếu để đảm bảo cung cấp sản phẩm vải uy tín cho khách hàng. Ngoài ra những thông tin này cũng cần thiết cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu hay có ý định sản xuất, kinh doanh liên quan đến nguyên liệu vải.

Xem thêm: Các lỗi trên sản phẩm may mặc nguyên nhân, cách khắc phục

1.Lỗi vải là gì?

Lỗi vải (tiếng Anh là Fabric defects), là từ dùng để chỉ các khiếm khuyết có thể thấy được trên bề mặt vải thông qua kiểm tra bằng máy hoặc thủ công. Trong chuyên môn, các lỗi này được chỉ qua thông qua khâu kiểm vải và chúng sẽ được phân theo cơ cấu lỗi, tính chất lỗi. 

Có rất nhiều lỗi về vải và có thể gặp cả trên vải dệt kimvải dệt thoi. Lỗi vải có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau từ thiết bị máy móc, do chất lượng sợi dệt, do thuốc nhuộm,... Mỗi yếu tố đều sẽ mức độ ảnh hưởng khác nhau và nhìn chung dẫn đến việc làm giảm đáng kể chất lượng vải.

Lỗi vải có thể giảm tới 40-50% giá thành vải hoặc hơn tùy mức độ lỗi. Thêm vào đó, lỗi vải cũng là nguyên nhân dẫn đến các lỗi trên sản phẩm may mặc thường gặp ngoài các lỗi về đường may và lỗi khác.

Việc tìm cách hạn chế, khắc phục hay sửa lỗi vải là rất cần thiết. Nó cần được chú ý ở mọi khâu từ đầu vải sợi vải, xe sợi, dệt sợi, dệt vải cho đến cắt gia công, may ráp,... Do đó cần hiểu về các loại lỗi vải, phân loại cũng như cách xử lý lỗi.

2.Cách phân loại lỗi trên vải

Có nhiều cách để phân loại lỗi trên vải may mặc cho dễ nắm bắt. Về cơ bản có thể phân chia theo lỗi theo cơ cấu và tính chất.

Các lỗi vải phân theo quá trình sản xuất

Ở bất kỳ khâu nào của quá trình sản xuất sợi, vải đều có thể gây ra tình trạng lỗi khác nhau trên vải. Tuy nhiên bản thân một lỗi vải cụ thể cũng có thể phát sinh ở nhiều công đoạn sản xuất vải hoặc là các yếu tố tác động cộng hưởng. Sự phân chia lỗi vải theo các khâu của quá trình sản xuất chỉ có tính tương đối.

  • Lỗi về sợi: do đầu vào chất lượng xơ sợi, loại sợi, cách trộn sợi, xe sợi,... gây ra
  • Lỗi dệt vải: phát sinh trong quá trình dệt sợi thành vải
  • Lỗi nhuộm vải: Quá trình nhuộm vải, thuốc nhuộm, công nghệ nhuộm màu, ví dụ như phai màu, ánh màu,
  • Lỗi vệ sinh: liên quan đến các khâu trong quá trình sản xuất do vải dính dầu máy, hóa chất,... 

Phân theo tính chất lỗi

  • Lỗi nhỏ: gồm các lỗi vải không ảnh hưởng đến việc mua sản phẩm. Lỗi nhỏ có thể chuyển thành lỗi lớn khi kích cỡ, phạm vi, tần suất lặp của lỗi tăng lên.
  • Lỗi lớn: là các lỗi nếu phát hiện thì các sản phẩm này sẽ ảnh hưởng đến việc mua sản phẩm và phải hạ loại.
  • Lỗi nghiêm trọng: là các lỗi nếu phát hiện sẽ dẫn tới việc phải loại bỏ sản phẩm.

Phân loại lỗi theo cấu trúc vải

Các loại vải may mặc được phân theo phương pháp dệt là dệt kim và dệt thoi. Hai loại vải có cấu trúc khác nhau và do đó các lỗi vải cũng có thể giống nhau hoặc có các lỗi riêng ở loại này mà loại kia ít gặp hoặc không gặp. 

  • Các lỗi thường gặp trên vải dệt kim: rách, sọc, lún, đứt hoặc mất méo vải, tụt sợi, xù lông, vón cục, nút thắt, xiên lệch sợi, đốm nhuộm, thưa sợi, sợi bẩn, nếp gấp, co rút, vải quăn mép, các lỗi nhuộm,...
  • Các lỗi thường gặp trên vải dệt thoi: thiếu sợi, đứt sợi, trùng sợi, nổi sợi, vân sọc, đốm nhuộm, vệt nhuộm, lỗ, vết cắt, vỡ mặt vải, biên vải hỏng, các lỗi nhuộm

3.Các loại lỗi vải thường gặp ở sợi vải

Lỗi sợi vải là các lỗi mà nguyên nhân do sợi bị lỗi gây ra khiếm khuyết cho vải cây, vải cuộn. Đây có thể goi là lỗi do chất lượng của nguyên vật liệu. Lỗi sợi gặp ở cả vải dệt thoi và dệt kim. Chúng không chỉ ảnh hưởng độ hoàn thiện bề mặt vải mà quan trọng hơn, nếu không được phát hiện và xử lý, khi đưa vào may mặc sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng của thành phẩm quần áo, phụ kiện thời trang,...

Có rất nhiều lỗi sợi, ở đây chỉ đề cập một số lỗi sợi thường gặp: lỗi sọc vải, lỗi vệt màu, lỗi thắt nút sợi, lỗi xoắn sợi

Lỗi sọc chỉ trên vải (Warp streaks)

Lỗi sọc vải khi ở trên bề mặt vải xuất hiện các đường sọc hẹp và xuất nhiều dày đặc theo hướng dọc song song biên vải. Lỗi do nhiều nguyên nhân, ở góc độ chất lượng nó do xơ sợi, cách trộn sợi, quy trình xe sợi không đạt. Nó cũng có nguyên nhân do nhuộm vải... ) Lỗi này phổ biến trên vải dệt thoi.

lỗi sọc vải

Lỗi vệt màu ở sợi (Coloured Flecks)

Lỗi lẫn màu sợi có nguyên nhân do sợi có sự xuất hiện của chất lạ, tạp sợi có màu trong sợi khiến cho sợi đó có màu khác với xung quanh. Biển hiện trên bề mặt vải dễ nhận biết nhất là các loại vải sáng màu. 
 

các lỗi trên vải


Lỗi thắt nút sợi (Knots)

Được hiểu như một mối dây buộc, mối thắt nút ở sợi, được thực hiện bằng cách buộc các đầu sợi lại với nhau. Lỗi này xảy ra khi sợi bị đứt trong quá trình cuộn, cong vênh, định cỡ hoặc dệt.
 

lỗi thắt nút sợi


Sợi đặc (Slub yarn)

Lỗi sợi sần, sợi đặc, lỗi xoắn hay Slub. Tình trạng một sợi, một chỗ bị dày lên hẳn với hai đầu thuộn nhọn và đoạn sần này có đường kính lớn hơn so với đường kính của sợi thông thường liền kề. Lúc này bề mặt vải trở nên không đồng đều, không mịn ở điểm bị lỗi.
 

lỗi trên vải may mặc


Nguyên nhân do chất lượng xơ sợi ví dụ như có các mảnh xơ thô hoặc sơ chưa được làm sạch trong quá trình đánh ống. Do độ xoắn sợi không đều nên khi dệt vải sẽ bị khiếm khuyết. Đây là lỗi khá phổ biến. Slub trên sản phẩm may mặc dệt kim có thể được sửa lỗi bằng cách dùng tông đơ cắt nhẹ trên bề mặt hoặc dùng lược kim loại để chải

Cần phần biệt slub là dạng lỗi với sợi slub là một loại sợi lạ mắt (fancy yarn) được tạo ra có chủ đích để dệt vải slub. Nó cũng không phải là hiện tượng xù lông ở vải (xuất hiện trên diện rộng bề mặt vải), slub chỉ xuất hiện ở một hoặc một số điểm trên bề mặt.

Sợi bị đứt (Broken Filaments)

Đứt sợi Filament (là loại sợi có chiều dài liên tục, có thể là sợi tự nhiên hoặc nhân tạo) là một trong những lỗi thường gặp ở vải, nhất là vải dệt thoi. Có thể là sợi dọc hoặc sợi ngang bị đứt. Sợi bị đứt do chất lượng sợi đầu vào kém và cũng do các nguyên nhân khác liên quan đến máy móc, quy trình dệt vải.

lỗi đứt sợi ngang

Đứt sợi (Broken Picks) - Điều này xảy ra do sợi ngang hay sợi nhồi (sợi dọc) bị đứt trong quá trình dệt.
Thiếu đầu sợi Thiếu đầu sợi (Broken Ends) - Thiếu đi sự hiện diện của sợi trong hàng theo quy luật.

Sợi bị trùng lặp

Trùng sợi ngang (Double Pick) - Sơi ngang bị dệt thành đôi thay vì sợi đơn ngang.
Sợi dọc trùng (Double End): Lỗi xảy ra khi hai hoặc nhiều đầu sợi do lỗi được dệt thành một sợi, từ đó tạo nên một thanh dày chạy song song với sợi dọc.
 

lỗi trùng sợi dọc


Sợi nổi (Float)

Hay lỗi nổi sợi chính là là sự đan xen không đúng quy luật giữa các sợi dọc và sợi ngang. Nó có thể xảy ra mở một điểm hoặc ở nhiều điểm trên bề mặt vải.
 

lỗi sợi vải sợi nổi


Gút sợi

Do sự tích tụ của các xơ ngắn trong sợi, tạo nên vết sần trên vải.

Lỗi tụt sợi (Ladder)

Lỗi ở vải dệt kim, biểu hiện trên mặt vải là một hàng mũi bị tụt theo hướng của mép vải. 
 

lỗi tụt sợi vải dệt kim


Lệch sợi (Local Distortion)

Sợi vải bị dịch chuyển, lệch, xiên, chệch sợi (bao gồm sợi dọc và/hoặc sợi ngang) khỏi vị trí bình thường của nó.

Ngoài ra còn rất nhiều lỗi sợi vải chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật để bạn đọc theo dõi.

4.Lỗi trên bề mặt vải

Lỗi lỗ trên vải (Hole)

Các lỗi này có thể được tạo ra cả ở khâu dệt và các khâu khác bởi nhiều lý do. Ví dụ như lỗi trong quá trình cuộn vải hoặc do lỗi trong máy cắt.

Vải bị bóng (Shading)

Một số loại vải trơn thường dễ phát hiện thấy lỗi bóng vải. Bóng mờ có thể xảy ra ở cùng một cuộn vải hoặc trên nhiều cuộn. Lỗi này có thể xuất hiện ở khâu nhuộm vải hoặc do sợi, hoặc trong quá trình dệt. Lỗi này cũng là lỗi phổ biến trên các sản phẩm may mặc khi ráp thân của hai bộ phận (quần hoặc áo) lại với nhau.
 

các lỗi vải, lỗi bị bóng vải


Chỗ dày chỗ mỏng

Lỗi này cũng có bắt nguồn từ sợi dệt có chất lượng không đảm bảo. Sợi chỉ kích cỡ không đều chỗ dày chỗ mỏng thì cũng tạo ra vấn đề tương tự khi thể hiện trên bề mặt vải. Bên cạnh đó nếu sợi dọc hoặc sợi ngang không đều cũng có thể gây ra lỗi này. 

Bề mặt vải bị thô

Bề mặt vải sẽ trở nên thiếu mịn và thô nếu trong quá trình dệt vải mà sợi vải bị kéo căng quá mức, kéo không đều. 

5.Lỗi vải do vệ sinh

Vết dầu máy (Oil stain)

Vết dầu bám bẩn trên sợi, vải có rất hay gặp. Nó có thể xuất hiện ở khâu kéo sợi cho tới khâu dệt vải hay hoàn tất. Phạm vi lỗi lớn hay nhỏ sẽ quyết định lỗi là nặng hay nhẹ. Vải càng sáng màu, vải trơn thì lỗi này càng dễ phát hiện.

Vết gỉ sét (Iron stain)

Ngoài vết dầu, trên vải còn có thể thấy các vết bẩn, vết sắt. Nó là hậu quả của một thiết bị nào đó bằng kim loại bị gỉ sét và nước rơi xuống bề mặt vải. Ở quá trình hoàn thiện vải, vị trí đặt vải bị ướt và có gỉ sét cũng dẫn đến việc vải bị ố.

Nấm mốc (Mildew)

Các vết nấm mốc có thể phát sinh trên vải nếu điều kiện bảo quản không tốt, thời tiết nồm, không khí bị ẩm ướt. Các loại vải nguồn gốc tự nhiên dễ bị lỗi này. 

6.Tìm hiểu các lỗi vải do nhuộm

Lỗi nhuộm là gì?

Lỗi nhuộm vải chính là các khiếm khuyết được phát hiện trên vải phát sinh từ quá trình nhuộm vải. Nguyên nhân lỗi nhuộm có thể do:

  • Quy trình nhuộm không đúng (thuốc nhuộm, điều kiện nhuộm,...)
  • Vải không được chuẩn bị tốt trước khi nhuộm (chất lượng vải sợi)

Ảnh hưởng của lỗi nhuộm: Sai sót nhuộm màu trên vải khiến cho vải không đạt chất lượng, hạ loại, phải sửa lỗi hoặc loại. Tệ nhất là khi lỗi nhuộm xuất hiện trên sản phẩm may mặc do vải không được kiểm tra kỹ trước khi sản xuất gia công. Điều này sẽ gây thiệt hại đáng kể hoặc phải loại bỏ sản phẩm.

Biện pháp:

  • Đảm bảo quy trình nhuộm đúng cách.
  • Kiểm tra kỹ chất lượng vải: Quan sát vải dưới ánh sáng tự nhiên. Sử dụng thiết bị máy móc chuyên dụng, máy quét màu vải 
  • Sử dụng dịch vụ quét màu vải, sửa lỗi vải
     

lỗi nhuộm màu trên vải


Danh sách các lỗi nhuộm vải và dệt may

Trong chuyên môn, có rất nhiều lỗi được chỉ ra do nhuộm vải. Dưới đây là một số lỗi thường gặp:

Lỗi sọc do nhuộm (Barre)

Khi quan sát bề mặt vải sẽ thấy các đường bóng mờ chạy từ mép vải bên này sang bên kia sau khi nhuộm. Nguyên nhân có thể do: Lỗi sợi (Sự khác biệt về kích thước của sợi dệt ngang) hoặc
Do dệt (Sự khác biệt về độ căng của sợi dọc và sợi ngang khiến cho thuốc nhuộm không ngấm đều).

Chảy màu trong chất lỏng (Bleeding)

Lỗi phai màu, chảy màu là tình trạng vải bị đổi màu khi vải bị ướt, tức tiếp xúc với các chất lỏng (ví dụ như nước) hoặc cũng có thể xảy ra khi vải bị ẩm. Nguyên nhân của loại lỗi này có thể do: Thuốc nhuộm (không phù hợp với vải); Thuốc nhuộm có độ bền màu kém cho vải.

Phai màu mài mòn, sờn màu (Crocking)

Crocking xảy ra khi bề mặt vải được nhuộm bị cọ xát vật lý. Dễ gặp ở các loại vải thô, vải có màu đậm. Khi hai loại vải cọ xát với nhau gây ra thì màu của vải nhuộm dễ dàng 'ăn' vào màu của vải khác. Nguyên nhân: Việc tẩy rửa ở cuối quy trình nhuộm không được thực hiện đúng cách; Không có đủ sự thâm nhập của thuốc nhuộm trong vải. Lỗi này có thể được kiểm tra bởi máy kiểm tra độ bền màu ma sát (Crock meter).

Các lỗi nhuộm khác

  •  Khác màu mẫu (wrong design or color)
  • Các chi tiết khác màu (shade winthin garment)
  • Khác màu viền (shaded trim)
  • Khác màu bên trong (shade interior parts)
  • Sai mã của màu (wrong shade code) 
  • Màu không chuẩn (shade no to standard)
  • Bạc màu (fading)
  • Sai màu (Monofilament or wrong color)

7.Các lỗi khác trên vải

Ngoài các lỗi sợi, lỗi dệt, lỗi nhuộm ở trên, khi mua vải bạn cũng cần để ý đến các lỗi khác dưới đây.

Độ co giãn/độ hồi không đạt (do định hình, chất liệu, chỉ số,….)

Vải dệt theo phương pháp dệt kim thường có độ co giãn, đàn hồi cao. Tất nhiên tùy thuộc từng loại vải mà độ co giãn, đàn hồi sẽ khác nhau. Để kiểm tra, có thể sử dụng máy đo độ giãn và hồi phục của vải, một trong những thiết bị kiểm tra vải và dệt may khá phổ biến. Với người mua vải sỉ số lượng nhỏ, vải cuộn, mua vải cân vải ký, có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng quan sát bề mặt vải sau khi kéo căng xem vải có trở lại trạng thái ban đầu không.

Lỗi in ấn trên vải

Đối với vải có họa tiết, hoa văn hay hình khối, kiểm tra hình in cũng cần tính đến. Tùy theo kích cỡ của họa tiết, mật độ, màu sắc,... của họa tiết mà lỗi có thể dễ hoặc khó phát hiện. Ví dụ như với in chuyển nhiệt có thể gặp phải lỗi in hình nhạt, lỗi in hình bị ngược, hình in bị rổ,...
 

các dạng lỗi vải, lỗi họa tiết


Các lỗi in vải ảnh hưởng tới chất lượng cây vải và nếu may thành phẩm sẽ giảm giảm giá trị sản phẩm thời trang.

Lỗi thiếu khổ vải

Trong các thông số kỹ thuật, khổ vải là thông số rất quan trọng. Nếu vải bị thiếu khổ sẽ khó hoặc không thể tiến hàng cắt may mẫu. Trong các xưởng sản xuất vải và xưởng gia công may mặc, các loại vải thành phẩm đều phải  được kiểm tra kỹ theo tiêu chuẩn 4 điểm. Quy trình kiểm tra bao gồm từ so màu, độ đều màu, khổ vải và chiều dài cây vải. Với cây vải, khổ vải thực tế sẽ được tính từ biên vải. Kiểm tra ít nhất 3 lần/ 1 cây và tại 3 vị trí đầu cây, giữa cây, cuối cây.

Máy kiểm tra vải tự động định biên có thể thực hiện nhanh chóng các yêu cầu này. Tuy nhiên nếu kiểm tra khổ vải thủ công, phải để mặt vải bằng phẳng đồng thời căng vải khi đo để tránh tình trạng bị nhăn nhưng lưu ý không kéo quá căng đối với loại vải co giãn.

Trên đây là các dạng lỗi vải thường gặp và nguyên nhân. Việc nhận biết lỗi vải trên vải cây vải cuộn hay các lỗi vải trên thành phẩm vừa giúp bạn có thêm kiến thức để khi mua vải có thể kiểm tra được vải chất lượng cũng như khi nhập sỉ quần áo có thể phát hiện ra các lỗi trên sản phẩm may mặc.

 

Xem thêm: Dịch vụ sửa lỗi vải trên vải cây, vải bán thành phẩm, quần áo

Chia sẻ

Location for : Listing Title